Trong hệ vách ngăn di động này, Lam Weaving Spaces và The Lab Saigon đã tạo ra một sản phẩm sáng tạo lấy cảm hứng từ chiếc bánh tráng truyền thống của Việt Nam. Kết cấu chính của vách ngăn được làm từ khung sắt và các tấm nhựa PVC dệt thủ công, tái hiện hình ảnh đan xen đầy nghệ thuật. Sự tinh tế trong việc dệt nhựa và cấu trúc của khung kim loại không chỉ tôn vinh nét truyền thống mà còn thể hiện tính hiện đại và ứng dụng trong không gian kiến trúc.
Vật liệu nhựa PVC trong hệ vách mang lại tính nhẹ nhàng nhưng đủ bền vững để di chuyển và sử dụng lâu dài. Điều này kết hợp với khung sắt giúp hệ vách ngăn có tính linh động, dễ dàng thay đổi vị trí hoặc bố trí tùy theo nhu cầu sử dụng của không gian. Ánh sáng phản chiếu qua những tấm nhựa tạo nên sự tương phản tinh tế, mang đến cảm giác thoáng đãng và mờ ảo, gợi nhắc đến hình ảnh những chiếc bánh tráng mỏng được phơi dưới ánh nắng.
Vách ngăn này là sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, thể hiện rõ qua cách tiếp cận vật liệu truyền thống theo lối thiết kế mới mẻ, phù hợp với không gian nội thất đương đại.
“Bánh tráng là món ăn truyền thống, tiện dụng của người Việt. Không chỉ hình ảnh của bánh mà quá trình làm bánh có thể gắn liền với tuổi thơ nhiều người. Gần như mỗi vùng quê, mỗi xóm làng đều có lò bánh tráng để phục vụ cộng đồng. Có nhiều làng nghề bánh tráng rất đặc trưng, nổi tiếng… tại vì rất ngon. Khi bánh còn nóng-mềm-màu trắng đục-trong mờ được người thợ gỡ ra từ khuôn và trải đều trên vỉ bằng tre hoặc lá dừa đan, bánh bám dính vào bề mặt vỉ. Vỉ bánh được đem ra sân phơi nắng, đợi bánh khô rồi gỡ ra, xếp lại thành từng chồng. Những vùng chuyên làm bánh tráng sẽ thấy cả vườn phơi lớn, ngăn nắp, trình tự… trông rất ấn tượng! LAM thực hiện partition này cho không gian của Blank Lounge dựa trên cảm hứng và hiệu ứng của quá trình làm bánh tráng.”